Đối phó với những cơn sốt ở trẻ nhỏ

Cởi bớt quần áo, cho uống nhiều nước, lau mát bằng cách dùng 5 chiếc khăn nhỏ nhúng vào nước ấm, đặt hai bên nách và hai bên bẹn, khăn còn lại lau khắp người.

Lưu ý khi chăm trẻ sốt tại nhà / Sai lầm khi chăm trẻ sốt xuất huyết

Với trẻ em, sốt là một trong những dấu hiệu lâm sàng rất thường gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau trong suốt thời kỳ thơ ấu. Đôi khi sốt cũng xuất hiện do sự tác động trực tiếp từ môi trường bên ngoài như thời tiết quá nóng nực, oi bức, phụ huynh ủ ấm bé quá kỹ, trẻ sốt sau tiêm chủng văcxin… Xác định rõ căn nguyên sẽ giúp phụ huynh chăm sóc trẻ đúng cách và hiệu quả hơn.

Cách xác định trẻ bị sốt

Bình thường nhiệt độ của cơ thể từ 36,5 đến 37,5 độ C. Trẻ em cũng có nhiệt độ tương đương người lớn nhưng do trung tâm điều hòa chưa hoàn chỉnh nên dễ bị sốt và sốt cao.

– Có thể nhận ra trẻ đang bị sốt bằng cách sờ ở bụng hoặc nách của trẻ thấy nóng.

– Nhìn thấy môi và má trẻ đỏ hơn bình thường. Mắt trẻ không còn linh hoạt, cử chỉ lừ đừ, bé có thể bị lạnh run, tăng tiết mồ hôi.

– Nên đo thân nhiệt của trẻ để xác định được tình trạng sốt hiện tại (sốt nhẹ hoặc sốt cao):

+ Nhiệt độ 37,5-38,5 độ C là sốt nhẹ.

+ Nhiệt độ 38,5-39 độ C là sốt vừa.

+ Khi nhiệt độ 39-40 độ C là sốt cao.

+ Nhiệt độ bé từ 40 độ C trở lên là sốt rất cao.

Sốt thường là dấu hiệu ban đầu báo hiệu trẻ đang bị bệnh hoặc gặp vấn đề nào đó về sức khỏe. Về mặt y học, sốt cũng giúp cơ thể trẻ chống chọi với bệnh tật vì đó là một hiện tượng có lợi. Khi nhiệt độ cơ thể tăng lên, sức đề kháng của cơ thể cũng nâng cao giúp tiêu diệt bớt các tác nhân gây bệnh.